Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

MARIA, MÙA XUÂN CỦA GIÁO HỘI!

Lm Mai Đức vinh

Ngày 21. 11. 1964 các Nghị Phụ đã bỏ phiếu chung quyết Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội. Hiến Chế gồm 8 chương và chương cuối cùng là "Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội". Như chúng ta biết, Đây là một trong những chương được tranh luận nhiều nhất. Sáng kiến đưa chương này vào hiến chế cũng đã gây nhiều sôi nổi. Trong số những lựơc đồ được đệ trình từ 1962, có lựơc đồ về Đức Maria. Vì những lí do có tính cách hoặc thần học, hoặc mục vụ hoặc hiệp nhất, một vài Nghị Phụ muốn cho lược đồ về Đức Maria xen vào Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội. Ngày 29.03.1963, các Nghị Phụ bỏ phiếu một câu hỏi như sau: "Các Nghị Phụ Công Đồng có muốn lược đồ về Đức Trinh Nữ Mẹ Giáo Hội đổi thành chương cuối cùng của lược đồ về Giáo Hội không?". Trước khi bỏ phiếu, có hai bản phúc trình chính thức về vấn đề này. Đức Hồng Y Konig, người muốn cho xen vào Hiến Chế và Đức Hồng Y Santos muốn làm một lược đồ riêng. Cả hai dùng những luận chứng dồi dào để trình bày trước các Nghị Phụ và sự thích hợp của quan điểm mình. Kết quả cuộc đầu phiếu thật sát nút: Với 2,193 Nghị Phụ có mặt thì 1,114 vị bỏ phiếu thuận, 1,074 phiếu chống. Phiếu thuận chỉ hơn có 40 phiếu và Công Đồng chấp nhận việc xen lược đồ vào trong Hiến Chế.

Khi vừa ra khỏi phòng hội công đồng, Đức Hồng Y Emile Léger, tổng giám mục Montréal, bị chặn lại bởi nhiều kí giả. Họ đặt với Ngài nhiều câu hỏi hóc búa liên quan đến vai trò của Đức Maria trong các buổi thảo luận của các Nghị Phụ Công Đồng. Bằng một nụ cười thật tươi, Đức Hồng Y Emile Léger xác quyết luôn rằng: "ĐỨC MARIA LÀ MÙA XUÂN CỦA GIÁO HỘI".

Câu trả lời ý vị của Đức Hồng Y Emile Léger là đề tài của bài tham luận thần học về Đức Maria này.

I. VỚI MARIA, MẸ CỦA CHÚA GIÊSU

Công Đồng chỉ là lễ Hiện Xuống mới trong Giáo Hội, khi toàn thể dân Chúa "một lòng kiên trì cầu nguyện với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu" (Cv 1,14; x.GH 59).

Vậy phải chăng Đức Maria đã kêu van cho Giáo Hội sơ sinh "ơn Chúa Thánh Thần, Đấng đã phủ bóng trên Người từ lúc Truyền Tin"? (GH 59)

Sự liên kết giữa mầu nhiệm Truyền Tin và mầu nhiệm Hiện Xuống đã được thánh Luca minh họa rõ ràng, tuyên chứng về đời sống nội tâm tương giao của Giáo Hội và của Đức Maria.

Đức Gioan XXIII hiểu rõ điều đó. Ngài đã nhắc nhở các gia đình Kitô giáo cầu nguyện với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu cho Công Đồng được kết quả:

"Anh chị em hãy xin Thiên Chúa ban lại cho thời đại chúng ta, những ân huệ kì diệu mà Ngài đã khấng ban cho thời đại Hiện Xuống. Hợp với Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, anh chị em hãy nhất trí, tha thiết và bền vững xin Thiên Chúa ban cho Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của thánh Phêrô, lòng nhiệt thành mở rộng Nước Chúa Cứu Thế, Nước của sự thật, sự công chính và sự an bình" (C.6, 37). (1)

Ngay trước ngày khai mạc khóa họp đầu tiên của Công Đồng, (11.10.62), Đức Thánh Cha đã đọc lời cầu nguyện với Đức Maria. Lời cầu nguyện này ấp ủ lấy Công Đồng suốt mọi khóa họp. Còn gì sâu xa và hợp lí hơn, việc Công Đồng tuyên dương Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội như để kết thúc Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội: mầu nhiệm của Giáo Hội, gắn liền với mầu nhiệm của Đức Maria.

"Cũng như chúng ta đã theo lời mời gọi của Đức Gioan XXIII, ngày 11.10.1962, bước vào trong phòng hội (aula) Công Đồng, "với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu", thì cũng vậy, hôm nay, ngày bế mạc khóa ba công đồng, chúng ta ra khỏi cung vương thánh đường mang tên rất thánh và rất dịu dàng của Đức Maria, Mẹ của Giáo Hội" (C. 6,186).

Tuyên dương Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội, Đức Phaolô VI không phát động một phong trào mộ đạo tình cảm, càng không hành động như một mánh khóe chính trị muốn liên minh và nắm chắc những người bảo thủ từng đối lập công việc cập nhật hóa Hiến Chế về Giáo Hội. Trái lại sáng kiến của Đức Giáo Hoàng kết ước hoạt động sâu đậm nhất, khai mở bản lãnh thầm kín nhất của Công Đồng. Một số Kitô hữu chú tâm quan sát việc làm của Đức Phaolô VI với sự yên lặng không hài lòng: nhiều hay ít họ cảm thấy khó chịu về ý nghĩa canh tân Giáo Hội.

Tuy nhiên, việc tuyên dương Đức Maria, Mẹ Giáo Hội là "chóp đỉnh, là triều thiên" (C.6, 183) của Hiến Chế về Giáo Hội và của tất cả các văn kiện khác của Công Đồng.

Việc tuyên dương tương ứng với "mục đích của Công Đồng là làm nổi bật khuôn mặt của Giáo Hội mà Đức Maria hằng kết hợp chặt chẽ" (C.6, 183).

Vì yếu tính của Giáo Hội không hệ tại trong cơ cấu phẩm trật, trong phụng vụ, trong các bí tích, trong các án lệnh tư pháp của Giáo Hội, nhưng trong bác ái, trong sự kết hợp mật thiết và tự thân với Đức Kitô. Điều này tuyệt đối không thể quan niệm được đối với những ai không biết đến người Mẹ của Ngôi Lời nhập thể (x.C.6,184).

Như vậy chắc chắn, lí tính nội tại của Công Đồng luôn thật trong sáng trong việc tuyên dương Đức Maria.

Bức họa của công đồng về khuôn mặt của Giáo Hội bao hàm tất cả những yếu tố cần thiết để đưa ra ánh sáng mầu nhiệm của Đức Maria. Ngoài ra chúng ta nhìn nhận cách thành thật rằng Công Đồng đã không bàn thảo vấn đề này với tất cả sự cương quyết về thần học chính ra phải có. Chúng ta còn phải khẳng định thêm rằng thần học về Đức Maria chỉ được bàn cãi theo giai đoạn (épisode) và không phải là đối tượng của những cuộc tranh luận đột khởi thật sự. Nhưng chúng tôi thầm nghĩ rằng thần học về Đức Maria cho phép chúng ta nhìn thật sâu và chạm đến yếu tố thiêng liêng vốn ngự trị trong tâm điểm của Công Đồng. Đây không nói đến những cuộc tranh luận về văn bản nhưng về thực tại của đời sống Giáo Hội được bày tỏ ra trong các khóa hội công đồng. Ở đây chúng ta thấy rõ đoàn sủng của Đức Thánh Cha: tuyên dương Đức Maria Mẹ Giáo Hội, Ngài làm sáng tỏ bao điều hàm súc sâu xa trong bản văn công đồng mà nhiều người không nhìn ra.

II. MARIA LÀ GƯƠNG SOI TUYỆT HẢO GIỮA LÒNG GIÁO HỘI

Thật là tuyệt vời, khi trình bày mầu nhiệm của Đức Maria, Công Đồng tự nhiên nghiệm thấy phải dẫn chúng ta về với những quan điểm ban đầu của Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội bằng cách nhắc nhở chúng ta chương trình của Thiên Chúa hằng sống đối với thế giới.

"Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhân hậu và khôn ngoan đã muốn hoàn tất việc cứu chuộc thế giới, nên "đến thời viên mãn, Ngài đã sai Con Mình đến, sinh bởi người nữ... để chúng ta được nhận làm nghĩa tử" (Gl 4,45). Đó chính là Ngôi Con "vì loài người và để cứu rỗi loài người, Ngài đã từ trời xuống thế, bởi phép Chúa Thánh Thần, Ngài đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria" (GH 52).

Vậy, đó là tâm điểm của mạc khải về chương trình tình yêu của Thiên Chúa đối với thế giới mà Giáo Hội chiêm ngắm Đức Maria. Mầu nhiệm cứu rỗi đã được mạc khải cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô và còn tiếp tục trong Giáo Hội được Đấng Cứu Thế thiết lập như nhiệm thể của Ngài. Mầu nhiệm ấy gắn liền với sự kiện là nhờ Đức Maria mà Con Thiên Chúa đã đi vào trong lịch sử. Nào Ngài đã chẳng sinh ra bởi một người nữ (Gl 4,4) hầu đem đến cho chúng ta ơn cứu độ bằng việc thần linh hóa chúng ta đó sao?

Quả thật, mầu nhiệm của Đức Kitô và việc hưởng kiến Chúa Ba Ngôi bao trùm tất cả Thánh mẫu học. Đúng hơn, chính Kitô học đã gợi hứng cho Maria học thuyết. Những qui chiếu về hiến chế (GH 52) nhắc nhở đến việc Thánh Truyền đã soạn thảo Kitô học thuyết như thế nào: Công đồng Constantinople I (381, Công đồng chung thứ II) đã minh định rõ Kinh Tin Kính của Công đồng Nicée (Công đồng chung thứ I); Công đồng Êphêsô (Công đồng chung thứ III, 431) đã dùng kiểu nói Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Công Đồng Chalcédoine II (Công đồng chung thứ IV, 451) và công đồng Constantinoiple II (Công Đồng chung thứ V, 553) đã tổng hợp sự khẳng định về hai bản tính trong Đấng Cứu Thế (Thiên Chúa và con người) và sự duy nhất của ngôi vị thần linh (personne divine). Đức Kitô "quả thật đã sinh ra bởi người đàn bà là Đức Trinh Nữ".

Mọi định tín của Giáo Hội về Đức Maria đều giúp chúng ta hiểu biết mầu nhiệm của Đức Kitô. Chẳng hạn các định tín vạch rõ sự kiện lịch sử của việc Nhập Thể Cứu Thế và mức độ ảnh hưởng của việc Nhập Thể trong lịch sử nhân loại.

Chính Thánh Kinh và Thánh Truyền "trình bày mỗi ngày một sáng tỏ vai trò của Mẹ Đấng Cứu Thế trong chương trình cứu độ và như vậy là dẫn chúng ta đến sự chiêm ngắm Đức Maria" (GH 55). Chiêm ngắm Đức Maria không phải để gia tăng trí tưởng tượng, tạo nên nhiều huyền thoại, nhưng để mở rộng tâm trí chúng ta hướng về Thiên Chúa, Đấng luôn nói với chúng ta trong Giáo Hội qua Thánh Kinh và Thánh Truyền, Đấng nối kết chúng ta với thực tại ơn cứu độ.

Chúng ta hãy dành mấy phút suy niệm những phát biểu của truyền thống Đông phương:

"Thật hợp lí và phải lẽ, chúng ta gọi Đức Maria là Theotokos (Mẹ Thiên Chúa), bởi lẽ danh xưng này bao gồm trọn vẹn mầu nhiệm của nhiệm cục cứu thế" (2)

"Người ta quan niệm Thánh Trinh Nữ như là Theotokos. Người ta gọi Người như vậy không chỉ vì thiên tính của Ngôi Lời, nhưng còn vì nhân loại được thần linh hóa". (3)

Vậy không có Đức Maria, thì không thể có sự kết hợp của Giáo Hội vào Chúa Kitô. Giáo Hội chỉ hiểu được chính mình trong "yếu tính thâm sâu của mình" (C.6,184), trong "nguồn suối đầu tiên về hữu hiệu tính cứu chuộc của mình" (C.6, 184), trong "sự kết hợp mầu nhiệm với Đức Kitô" (C.6,184), tùy theo mức độ Giáo Hội chiêm ngắm với một tinh thần yêu mến "những kì diệu mà Thiên Chúa thể hiện nơi Mẹ Thánh của Người" (C.6,184). Nói một cách khác, để ý thức cao độ về chính mình, Giáo Hội phải ngước nhìn lên người nữ đã được ban cho Giáo Hội như "khuôn mẫu và tấm gương tuyệt hảo" (GH, 53).

Quang cảnh thế mạt của Giáo Hội mà "Đức Maria khai nguyên và miêu tả, phải hoàn thành ở đời sau" (GH 53). Nhưng ngay trong bản thân, "Giáo Hội đã đạt tới sự trọn lành không tì ố, không vết nhăn rồi" (x.Ep 5,27) (GH 65).

" Nhờ thành kính tưởng nhớ Đức Maria và chiêm ngưỡng Người dưới ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể, Giáo Hội cung kính tiến sâu hơn vào mầu nhiệm nhập thể cao siêu, và càng ngày càng nên giống Phu Quân của mình hơn. Thực vậy, Đức Maria đã mật thiết gắn liền với lịch sử cứu rỗi và có thể nói là Người đã qui tụ và phản chiếu nơi mình những đòi hỏi cao cả nhất của đức tin. Các tín hữu nghe rao giảng về Người và tôn sùng Người, sẽ được Người mời gọi đến kết hiệp với hi lễ của Con Người và yêu mến Chúa Cha" (GH 65).

Là "gương soi tinh sạch thánh thiện của vẻ đẹp vô biên" (C.6,260), Đức Maria là "tạo vật, trong đó hình ảnh của Thiên Chúa chiếu sáng với sự tinh trong tuyệt đối, không chút bợn nhơ, trái hẳn với mọi hình ảnh của nhân loại thụ tạo" (C.6,260). Với tước hiệu "Gương Soi", Đức Maria là "mẫu mực của niềm tin, của câu trả lời trọn vẹn dành cho Thiên Chúa trong mỗi lúc, là mẫu mực về sự đồng hóa trọn vẹn với mọi giáo huấn của Đức Kitô và đức bác ái của Ngài" (C.6,186).

Đối với chúng ta, Đức Maria là khuôn mặt của Đức Kitô. Người luôn mong ước chúng ta nên giống khuôn mặt ấy: Người có một sự trong sáng chiếu tỏa tuyệt đối toàn hảo và không hề qui chiếu về chính mình, nhưng rộng mở cho những ai chiêm ngắm ánh quang ấy nơi mầu nhiệm khôn sánh của Khuôn Mặt của Đức Kitô, Con Mẹ.

III. MARIA, MẸ CỦA THIÊN CHÚA

Trong Công Đồng, việc chiêm ngắm Mầu Nhiệm Đức Maria bắt đầu bằng sự suy nghĩ về mầu nhiệm của thiên chức làm mẹ của Người:

"Được cứu chuộc cách kì diệu hơn nhờ công nghiệp Con của Người và hiệp nhất mật thiết và bền chặt với Con, Đức Maria đã lãnh nhận nhiệm vụ và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí này, Người đã trổi vượt mọi tạo vật khác trên trời dưới đất" (GH53).

Vẫn luôn thuộc về dòng giống của chúng ta, luôn liên đới với tội lỗi chúng ta và được cứu chuộc trọn vẹn bởi Đức Kitô, Đức Maria đã lãnh nhận hồng ân sống mật thiết với Thiên Chúa cách tuyệt đối, không ai sánh bằng. Người là ái nữ bởi vì Người là đền thờ cung hiến của Chúa Thánh Thần với danh hiệu hoàn toàn độc đáo do hoạt động của chính Thánh Linh, khi Ngài thánh hiến toàn diện con người Đức Maria vào sứ mệnh làm Mẹ Thiên Chúa.

Thiên chức làm mẹ của Đức Maria đã được khẳng định với một ý nghĩa thật tròn đầy!

"Khi sứ thần truyền tin, Đức Trinh nữ Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn cùng thân xác, và đem Sự Sống đến cho thế gian, nên được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Thế" (GH 53).

Tất cả đời sống của Đức Maria đã được trực tiếp ấn dấu bởi việc Người đón nhận và vững tin vào nhiệm cục cứu thế của Thiên Chúa. Quả vậy, Người đã đón nhận với "một đức tin toàn hảo và gương mẫu" mọi công trình mà Thiên Chúa đã hoàn thành nơi Đức Giêsu Kitô, nên Mẹ xứng đáng lời ca ngợi của Phúc Âm: "Phúc cho Bà là kẻ đã tin" (C.6,185).

Mẹ sống hoàn toàn theo thánh ý Thiên Chúa. "Chính bởi đức tin và đức vâng lời mà Mẹ đã sinh ra Con của Chúa Cha nơi trần gian trong khi không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ. Như một Evà mới, Mẹ đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị chút nghi ngờ nào làm phai nhạt" (GH 63). Dưới sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã lãnh nhận Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã ban mình cho Mẹ rồi bởi Ngài, Mẹ lại ban sự sống cho nhân loại. Với thân phận nữ tì của Thiên Chúa, Mẹ hoàn toàn sống theo Lời của Ngài.

"Đức Maria, con cháu Adam, vì chấp nhận lời của Thiên Chúa đã trở nên Mẹ Chúa Giêsu. Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, vì không một tội nào ngăn trở Người, Đức Maria đã tận hiến làm nữ tì của Chúa, phục vụ cho thân thể và sự nghiệp của Con Ngài, và nhờ ơn sủng của Thiên Chúa toàn năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền bính và cùng cộng tác với Con Thiên Chúa" (GH 56).

Bản văn tuyệt tác trên đây làm sáng tỏ đức tin sống động của Đức Maria: Mẹ tín thác vô điều kiện vào Thiên Chúa hằng sống, Đấng mời gọi Người đón nhận mầu nhiệm Nhập Thể. Mẹ đã lãnh nhận lấy trong Mẹ, một cách trọn hảo nhưng lu mờ, mầu nhiệm Cứu Chuộc. Mẹ đã mang lấy trong cung lòng toàn thể mầu nhiệm vô biên về tình yêu của Chúa Con, Đấng đã đến cứu chuộc thế giới bằng thập giá. Vinh quang của Mẹ chính là đức tin của người nghèo hoàn toàn phú thác cho Thiên Chúa (x.GH 55) "Chị thật có phúc vì chị đã tin!" (Lc 1,45). Chính vì vậy, Công Đồng nhấn mạnh đặc biệt đến sự ưng thuận tự do của Mẹ trong ngày Truyền Tin, sự ưng thuận chi phối cả đời sống của Mẹ.

Với toàn thể Giáo Hội, ngay từ đầu, Công Đồng đã vang lời thán phục về sự ưng thuận tuyệt đối của Trinh Nữ Maria dâng lên Thiên Chúa. Sự ưng thuận mở đường dẫn đến hồng ân cao cả Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại (x.GH 55).

Có lẽ chúng ta sẽ vui mừng và được soi sáng nhiều hơn khi đọc lại một vài bản văn mà Thánh Truyền còn để lại và Công Đồng đã tham chiếu:

Thánh Nicolas Cabasilas viết: "Việc nhập thể của Ngôi Lời không chỉ là công trình của Chúa Cha và của Thánh Linh, nhưng... còn là công trình của ý chí và đức tin của Trinh Nữ Maria. Không có sự ưng thuận của người nữ Vô Nhiễm này, không có sự phấn đấu của đức tin, thì chương trình cứu thế không thực hiện được, cũng giống như không có sự can thiệp của chính Ba Ngôi Thiên Chúa vậy. Chỉ sau khi Maria đã đắn đo và xác tín, Thiên Chúa mới nhận Maria làm Mẹ và đón lấy huyết nhục Mẹ muốn hiến dâng. Như Chúa đã tự nguyện nhập thể, thì Chúa cũng muốn Maria tự nguyện trở nên hiền mẫu của Ngài. Chúa không muốn Mẹ chỉ cộng tác vào nhiệm cứu thế một cách thuần túy thụ động và máy móc. Do đó, Maria phải tự nguyện hiến thân trở thành người cộng tác của Thiên Chúa cho phần rỗi nhân loại, hầu đáng lãnh nhận vinh quang của ơn cứu chuộc... Và như vậy, Trinh Nữ là Mẹ về cả phần xác phần hồn và toàn thể nhân loại đóng góp vào việc sinh con không lời tả xiết này. (4)

Truyền thống của Giáo Hội Đông Phương coi sứ điệp của Thiên Thần và câu trả lời tự do của Trinh Nữ mang một tầm mức quan trọng, một chiều sâu thần học hàng đầu. Vậy câu trả lời này là câu trả lời hoàn toàn tự do của cả dòng giống nhân loại. Đặc ân về sự tinh khiết hoàn toàn của Trinh Nữ lãnh nhận tất cả ý nghĩa của nó trong viễn tượng này. Chính là việc bản tính nhân loại đi vào trong sự tự do mới: ngay từ giây phút đầu tiên của đời sống, Trinh Nữ đã ở trong hoàn cảnh tốt đẹp hơn hoàn cảnh của Evà lúc tạo thành. Không gì cản ngăn Mẹ kết hợp với Thiên Chúa, Đấng đã mang lấy sự yếu hèn của chúng ta khi xé mây trời và đi xuống với chúng ta (x.Is 64,1).

Do đó, Philarète de Moscou đã vui mừng kêu lên: "Vào ngày sáng tạo thế giới, khi Thiên Chúa phán lời hằng sống và uy quyền: "Hãy có!", Lời của Đấng Tạo Thành đã xuất sinh trong thế giới mọi tạo vật. Nhưng trong ngày ảm đạm của đời sống nhân loại, khi đức Maria thốt ra lời khiêm tốn và vâng phục "Xin vâng!", thì biến cố vĩ đại nào đã xẩy ra? -- Lời của thụ tạo đã kéo Đấng Tạo Thành xuống trần gian! Ở đây cũng vậy, Thiên Chúa tuyên bố một lời: "Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai" (Lc 1,31). Ngài sẽ nên cao trọng, Ngài sẽ ngự trị trên nhà Giacóp đến muôn đời"... Lời khiêm tốn "xin vâng" của Maria thật là cần thiết để lời cao trọng "Hãy có" của Thiên Chúa biến thành hành động. Sức mạnh thầm kín nào hàm súc trong những lời đơn sơ: "Này tôi là nữ tì của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền cho tôi"? Những lời ấy đã xuất sinh một hiệu quả thật lạ thường! Sức mạnh kì diệu ấy chính là lòng tận tụy tinh tuyền và tuyệt hảo của Maria dâng lên Thiên Chúa, lòng tận tụy của ý chí, của tư tưởng, của tâm hồn, của cả con người và của cả mọi mong ước của Trinh nữ Maria" (5).

Chúng ta đang ở giữa tâm điểm hiệp thông tuyệt đối mà Thiên Chúa thể hiện cho loài ngừơi: "Tính cách siêu việt của ân huệ được thông ban, là thiên chức làm nghĩa tử, luôn lên án mọi yêu sách của con người muốn chiếm đoạt cái mà con người chỉ có thể có vì đã lãnh nhận cách nhưng không, nhờ sự tham dự vào thiên tính của Con-người-Thiên-Chúa độc nhất... Ngay trong mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên chúa đã tỏ ra quí mến và tôn trọng nhân tính đến nỗi chỉ kết hợp với nhân tính khi có sự ưng thuận rõ ràng. Quả vậy, bởi lời "Fiat" của Maria, đáp lại lời "Fiat" tạo thành, mà Thiên Chúa đã dựng nên trong Maria một người con vốn ở với Ngài, cùng một hằng tính và một bản tính với Ngài, cũng như cùng một hằng tính và một bản tính với Maria. Hành động trên đây của Thiên chúa không cho phép con người thiết lập uy thế trên sức mạnh riêng của mình: con người chỉ nâng cao uy thế khi biết tuyệt đối từ bỏ mọi đồ án muốn cạnh tranh với Thiên Chúa". (6).

Đời sống của Đức Maria diễn tiến dưới dấu hiệu của chữ "xin vâng" thốt ra trong ngày truyền Tin, nghĩa là kể từ ngày đó, Maria hoàn toàn sống theo ấn tín tuân phục trọn hảo đối với Chúa Cha. Maria kết hợp toàn vẹn với Con của Người trong công trình cứu rỗi mà tột đỉnh là thánh giá.

"Như thế Đức Trinh Nữ cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến khi đứng bên thập giá, và Người đã đứng ở đó theo ý Chúa muốn (x.Ga 19,25). Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với con một mình và dự phần vào hi lễ của Con với tấm lòng của một người Mẹ hết tình ưng thuận hiến tế hi lễ do lòng mình sinh ra. Cuối cùng chính Chúa Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá đã trối Người làm Mẹ của môn đệ qua lời "Thưa Bà, này là con Bà" (x.Ga 19,26-27) (GH 58).

Thực tại nền tảng của đời sống Đức Maria, chính là "cuộc hành trình đức tin" (GH 58). Đức Maria đã là người đầu tiên đi vào mầu nhiệm của kế đồ cứu rỗi mới (x.GH 55) và Mẹ đã lớn lên trong đức tin qua những biến cố cứu độ, từ Truyền Tin đến Hiện Xuống. Vậy Đức Maria đã nhận biết một con đường dài và đau khổ, con đường đã gợi lên cách kín đáo bởi sự không hiểu nổi Lời của Con khi Mẹ tìm lại được Ngài trong Đền Thánh (x.GH 57). Ngài nhắc lại tính cách siêu việt của mầu nhiệm thần linh và của chương trình Ngài phải thi hành. Chương trình này có nhiều tương quan với một thụ tạo "đầy tràn ơn sủng" (Lc 1,28). Tuy nhiên Maria đã "trung thành kết hợp với Con mình cho đến thập giá" (GH 58). Tiếp theo Tông Đồ Công Vụ, bản văn của Công Đồng nhắc nhủ chúng ta rằng: ngày Hiện Xuống đã đem lại cho Maria ơn thông quán đặc biệt về mầu nhiệm của Đức Kitô, mầu nhiệm chan hòa vào đời sống của toàn thể Giáo Hội:

"Vì Thiên Chúa không muốn tỏ bày mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại cách trọng thể trước khi Ngài đổ tràn Thánh Thần mà Chúa Kitô đã hứa, nên chúng ta thấy các Tông Đồ trước ngày lễ Ngũ Tuần "đã kiên tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và với các anh em Ngài (Cv 1,14). Đức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần là Đấng đã phủ bóng lấy Người trong ngày Truyền Tin" (GH 59).

Chính trong đức tin, nền tảng của sự hiệp thông, và trong sự cộng tác vào mầu nhiệm của Đức Kitô mà Maria đã dần dần được biến đổi nên giống người Con chí ái của Mẹ, đến độ, "khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ để nên giống Con của Mẹ trọn vẹn hơn, là Chúa các chúa (x.Kh 19,16), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết" (GH 59). Đây là đặc ân duy nhất gắn liền với thiên chức làm mẹ của Đức Maria. Chúng ta có thể lặp lại ở đây lời của thánh Jean Damascène: "Danh "Mẹ Thiên Chúa" (Théotokos) chứa đựng toàn thể lịch sử của chương trình mà Thiên Chúa muốn thực hiện trong trần gian".

Được suy tôn trong vinh quang, Đức Maria hoàn tất cuộc hành trình đức tin. Và như vậy, Mẹ trở thành Mùa Xuân vinh quang của Giáo Hội.

Cả đời, trong mọi lúc, Đức Maria sống mầu nhiệm của Đức Kitô. Lúc đứng dưới chân Thánh Giá, Đức Maria thể hiện mầu nhiệm ấy với Con của Mẹ. Và khi lên trời là lúc Mẹ hoàn tất mầu nhiệm, như lời khẳng định của Andronic II Paléologue (1297):

"Diễn tiến của ngày đại lễ kết thúc tất cả mầu nhiệm của Đức Kitô. Đức Kitô đã trở về trời, như từ trời Ngài đã xuống thế, với cả huyết nhục Ngài đã lãnh nhận từ Đức Maria tinh sạch. Sau đó, Đức Maria rất thánh, Mẹ của Chúa Giêsu cũng được triệu về trời, ngự bên tòa của Con Mẹ theo ý muốn của Chúa Cha. Đó chính là nội dung của thánh lễ Mông Triệu". (7)

IV. MARIA, MẸ CỦA GIÁO HỘI

Công Đồng Vatican II không ngừng lại ở đó. Công Đồng nhìn thấy thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria triển nở trong thiên chức làm mẹ thiêng liêng của cả Giáo Hội. Vì lí do được làm Mẹ Thiên Chúa đối với người Con đầu lòng, thì Maria cũng được làm mẹ của đoàn con đông đảo, anh chị em của Chúa Giêsu nữa. Đức Maria đã thi hành chức phận làm mẹ này khi cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục các tín hữu.

"Người Con Mẹ sinh ra đã được Thiên Chúa đặt làm Trưởng Tử của nhiều anh em (x.Rm 8,29), nghĩa là các tín hữu. Và Mẹ đã cộng tác vào việc sinh hạ và dưỡng dục họ với tình mẹ thương con" (GH 63).

Dây ràng buộc buộc giữa hai thiên chức làm mẹ chính là sáng kiến tự do của Thiên Chúa trong nhiệm cục cứu thế của Ngài. Quan điểm này được xác quyết mạnh mẽ trong bản văn sau đây của Công Đồng:

"Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, Người trở nên Mẹ cao trọng của Đấng Cứu Chuộc thần linh trên trần gian, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Người là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm tốn của Chúa. Vì đã cưu mang sinh hạ và nuôi dưỡng Đức Kitô, đã dâng Đức Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên Thập giá, Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Người là Mẹ chúng ta" (GH 61).

Nhưng sự cộng tác vào công trình cứu độ không chỉ là công trình của quá khứ, mà còn là công trình của hôm nay và ngày mai. Đây là sự cộng tác thức thời, bởi lẽ việc Mông Triệu có nghĩa là Đức Maria vẫn tham dự vào quyền phép của Đấng Phục Sinh và Lên Trời.

"Kể từ khi ưng thuận tin tưởng trong ngày Truyền Tin, Đức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm Mẹ, cho tới lúc hoàn tất vĩnh viễn việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn. Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của Đức Maria trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Người vẫn luôn tiếp tục cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời. Với tình mẹ hiền, Người chăm sóc những anh em của Chúa Giêsu đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời" (GH 62).

Vậy Công Đồng khẳng định thiên chức làm mẹ về ân sủng của Đức Maria trên hai bình diện: Người đã là Mẹ của Giáo Hội trong quá khứ, bởi vì "Mẹ đã cộng tác vào việc sinh hạ trong Giáo Hội các tín hữu, chi thể của Đức Kitô là Đầu nhiệm thể" theo kiểu nói của thánh Au-cơ-tinh mà Công Đồng trích dẫn (x.GH 53); ngày nay, Mẹ là Mẹ của Giáo Hội vì Mẹ cộng tác vào việc làm cho Giáo Hội nên mẹ các tín hữu.

"Tuy nhiên khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện kì diệu và noi gương bác ái của Đức Maria cũng như việc Người trung thành chu toàn thánh ý Chúa Cha, Giáo Hội vì trung thành lãnh nhận lời Thiên Chúa, nên cũng được làm mẹ. Thực vậy, nhờ việc rao giảng và ban phép rửa, Giáo Hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần và sinh ra do Thiên Chúa để họ lãnh nhận một đời sống mới và bất diệt. Giáo Hội cũng là trinh nữ đã giữ gìn toàn vẹn và tinh tuyền lòng trung nghĩa đã hiến cho Phu Quân, và noi gương Mẹ Chúa mình, nhờ thần lực của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội bảo tồn cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy bền vững và một đức mến chân thành" (GH 64).

Việc sinh hạ các tín hữu của Giáo Hội được trình bày bằng những từ ngữ vốn làm nổi bật việc sinh hạ Chúa Giêsu của Đức Maria: Con cái của Giáo Hội "được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Thiên Chúa". Hơn thế, chính bởi việc đón nhận trung thành "lời" của Thiên Chúa mà Giáo Hội trở nên người mẹ. Vậy rập theo hình ảnh Đức Maria sinh hạ chúa Giêsu mà Giáo Hội, nhờ sự cộng tác từ mẫu của Đức Maria, sinh ra các tín hữu, con cái của Giáo Hội.

"Trong thiên chức làm mẹ, giữa Maria và Giáo Hội có một tương quan thật rõ ràng và mật thiết. Ví như hai thực tại không nằm chồng lên nhau mà hòa lẫn vào nhau. Trong bí tích Rửa Tội, Giáo Hội sinh ra các tín hữu. Tuy nhiên Đức Maria là người đầu tiên , giữa lòng Giáo Hội, đã sinh ra Giáo Hội. Người ta cũng có thể nói rằng: tình mẹ của Đức Maria đã tô điểm tình mẹ của Giáo Hội bằng một khuôn mặt riêng biệt, bằng một khả năng đối thoại. Một tập thể không có khuôn mặt theo cách thế của một người. Tập thể là một toàn thể bao la nhưng vẫn vô danh. Để người ta có thể đối thoại được với tập thể, chính tập thể phải có một cá tính đặc biệt và cụ thể. Tính cá biệt đó, Đức Maria đã trao tặng cho vai trò làm mẹ của Giáo Hội. Với Maria, có thể nối kết sự đối thoại của tình yêu nghĩa tử với tình yêu hiền mẫu. Là kiểu mẫu tình mẹ của Giáo Hội, Đức Trinh Nữ phải hiện diện ngay trong tâm điểm của tình mẹ của Giáo Hội. Nói khác, Người phải biến Giáo Hội thành người mẹ thật toàn hảo" (8).

Mầu nhiệm của Đức Maria và mầu nhiệm của Giáo Hội hòa lẫn vào nhau một cách tuyệt hảo. Mấy lời của đức Phaolô VI dưới đây có thể tóm lược những điều chúng ta trình bày ở trên:

"Cũng như thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa là nền tảng của mối liên lạc đặc biệt giữa Đức Maria với Chúa Giêsu và là lí do Người hiện diện trong nhiệm cục cứu chuộc mà Chúa Giêsu thực hiện. Cũng như Đức Maria là mẹ của Đấng, từ phút đầu tiên nhập thể trong lòng trinh khiết, đã kết hợp, xét theo là thủ lãnh, với thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội, thì Người, xét theo là mẹ của Chúa Giêsu, cũng là mẹ của mọi mục tử và của mọi tín hữu, nghĩa là của cả Giáo Hội" (C.6,185).

V. SỰ TRONG SÁNG TINH TUYỀN CỦA MẦU NHIỆM

"Trong suốt cuộc đời trần thế, Đức Maria đã thực hiện hình ảnh tuyệt hảo của người môn đệ Chúa Giêsu. Mẹ là gương mẫu về mọi nhân đức, là hiện thân của tám mối phúc thật mà Chúa Giêsu công bố trong Phúc Âm. Vì thế, toàn thể Giáo Hội, dù rất khác nhau về về đời sống và việc làm, có thể học được nơi Đức Mẹ một hình thức xác thực nhất về sự nên giống Chúa Giêsu cách tuyệt hảo" (C.6,186).

Nơi Đức Maria, Giáo Hội chiêm ngắm mầu nhiệm riêng của mình.

"Đối với người có niềm tin, Giáo Hội là gì, nếu không phải là cộng đồng nhân loại, xét theo Giáo Hội đón tiếp và mang trong mình Con-Người-Thiên-Chúa, nghĩa là xét theo Giáo Hội tham dự vào ơn gọi đặc biệt của Đức Maria thành Nagiarét? Sự nối kết ơn gọi và chức phận như vậy trong một tập thể nhân loại đã được Thiên Chúa kết ước và làm cho phong nhiêu. Người nữ được nhìn nhận trong đức tin là mẹ của Người-Thiên-Chúa, là người quản thủ và phục vụ Đấng đã được kí thác cho bà cách nhưng không: mạc khải và ơn sủng cứu độ bắt nguồn trong con người của Đức Giêsu-Kitô. Thật rõ ràng, đó là tình trạng lệ thuộc tuyệt đối vào ơn thánh. Ơn thánh kiến tạo và bảo toàn không những chân lí và đời sống vinh quang của Đức Maria mà còn cả chức vụ của Giáo Hội giữa loài người. Một mầu nhiệm làm mẹ ở ngay trong Giáo Hội, mầu nhiệm ấy ngăn cấm Giáo Hội: không được phản bội Chúa Cha là Đấng làm cho Giáo Hội hiện hữu và có sứ mệnh; không được phản bội Ngôi Con nhập thể mà Giáo Hội là người quản thủ chứ không phải hữu chủ; không được phản bội loài người mà Ngôi Con đến ban đức tin và sự sống thần linh. Đức Maria sống giữa gia đình, nơi đó Thiên Chúa và loài người gặp gỡ nhau trong Đấng kiến tạo cho riêng mình một vũ trụ thiêng liêng. Đấng ấy chính là Người-Thiên-Chúa (Homme-Dieu)". (9)

Đừng sợ rằng Đức Maria giữ các tín hữu lại cho riêng mình: Người hướng họ về với Đức Kitô, bởi Người chỉ muốn là sự trong sáng tinh tuyền:

"Vai trò của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh liệt sự trung gian ấy. Thực thế, mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Đức Trinh Nữ trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách quan nào nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Ảnh hưởng ấy nương tựa và hoàn toàn tùy thuộc vào sự trung gian của Chúa Kitô, nguồn phát sinh tất cả ảnh hưởng ấy. Ảnh hưởng này không cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ các tín hữu kết hợp trực tiếp với Chúa Kitô" (GH 60).

Đức Maria luôn qui hướng về Chúa Kitô: "Qua mọi danh dự dành cho Mẹ Ngài, Ngôi Con mà vì Ngài mọi vật được tạo thành (x.Cl 1,15-16) và trong Ngài Chúa Cha hằng hữu "muốn có đầy đủ mọi sự" (Cl 1,19), có thể được nhận biết, yêu mến, tôn vinh và vâng phục trong mọi giới răn Ngài truyền" (GH 66).

"Lòng sùng kính Đức Maria, luôn mãi là vô tận, là một phương thế cốt yếu hướng đưa mọi linh hồn về với Đức Kitô, và như vậy là kết hợp họ với Chúa Cha, trong tình yêu của Chúa Thánh Thần" (C.6,183).

Nhìn ngắm khuôn mặt của Đức Maria trong "ánh sáng của Thiên Chúa làm người" (GH 65), Giáo Hội dựa vào hoạt động thần linh của Đức Maria hầu thực hiện việc thần linh hóa chúng ta trong Ngôi Con chí ái: Giáo Hội hoàn toàn để cho mầu nhiệm cứu rỗi hoạt động và biến đổi.

Đức Maria quả thật là mầu nhiệm thanh luyện và biến đổi trong tình yêu: "Người qui hướng các tín hữu về với Con yêu quí của Người, về với Hi lễ của Chúa Giêsu, và về với tình yêu của Chúa Cha" (GH 65).

Nhìn ngắm Đức Maria, Giáo Hội luôn khám phá thêm mãi điều mà Giáo Hội phải trở thành: một mầu nhiệm trong sáng tinh tuyền!

*

Để kết thúc, chúng ta mượn lời Giáo Hội cầu nguyện và ca khen ĐỨC MARIA, Mẹ Muôn Ơn, Muôn Vẻ Đẹp Và Muôn Huy Hoàng...

Hỡi cửa Thiên đàng, xin rộng mở,

Ôi nguồn hy vọng, Maria!

Tay tiên bảo vệ hồn thanh khiết,

Lạy Mẹ Chúa Trời, đóa anh hoa!

Ngào ngạt hương thơm bông huệ trắng,

Dịu dàng nét mặt bồ câu xinh,

Trần gian chạy đến tìm nơi Mẹ,

Thánh dược thần y chữa tội tình... (9)

Ôi Trinh nữ, khoác ánh hồng rực sáng,

Mười hai sao là mũ ngọc tinh tuyền,

Mảnh trăng ngà làm bệ đặt gót sen,

Rực rỡ quá, vinh quang Người chói lọi!

Người chiến thắng tử thần và tội lỗi,

Lên ngự ngai vàng cạnh Đức Kitô,

Làm trạng sư cho chúng tử cậy nhờ,

Trời cùng đất tung hô: Tâu Bà Chúa! (10)

_____________________________________________

(1) C. 6 : Documents conciliaires No 6. Discours au Concile, Jean XXIII, Paul VI. Ed. du Centurion, 1966.

(2) S. Jean Damascène, De Fide orthodoxa, 3,2. P.G. 94, 1029,1032

(3) như trên.

(4) Homélies mariales byzantines, P.O. t.19,fasc.13,485...

(5) Choix de sermons et discours de S. Em. Mgr Philarète, Paris, 1866, t.I, 187.

(6) Paul Toinet, Existence chrétienne et philosophie, paris, 1965, tr. 343

(7) E. Mercenier, La prière des Eglises de rite byzantin, II, L. 375

(8) P.Toinet, sd, tr.344

(9) Kinh Chiều "Lễ Mẹ Vô Nhiễm".

(10) Kinh Sáng "Lễ Đức Mẹ Mông Triệu" _